HOÁ GIẢI
Tam tai 2025Cửu vận › Pháp khí
Ngâm chân đúng cách, tăng dương khí, Thiền ngâm chân thảo dược, cải thiện trí não
Xem tuổi làm nhà 2025
Lịch xem ngày tốt 2025 Ất Tỵ
Huyền không phi tinh vận 9
tử vi cải vận mệnh khuyết

Cửu cung phi tinh 2025 | Học Phong thủy đổi vận  | Phong thuỷ nhà vận 9 | Cúng khai trương |  Xem ngày lành 2025 | Ngâm chân đúng cách, tăng dương khí | Tuổi phạm Tam tai Thái tuế 2025 |

Tự tra bát tự online | TAM TAI VÀ HẠN THÁI TUẾ 2025

Thiền ngâm chân thảo dược, cải thiện trí não
Ngâm chân đúng cách, tăng dương khí

Lập bàn thờ Phật | 10 lưu ý khi lập bàn thờ

LẬP BÀN THỜ PHẬT VÀ PHÁP TU THÀNH PHẬT

Hiểu ý nghĩa cao quý thờ Phật, chọn không gian phù hợp hoàn cảnh, chọn vị Phật hợp tâm ý, chọn pháp khí màu vàng, có thể thờ cùng bàn thờ gia tiên, chọn 1 ngày tâm vui an vị tượng Phật, mỗi tháng dâng hoa và trái cây, mỗi ngày chấp tay đảnh lễ trước bàn thờ, khuyến thiện con cháu cùng chấp tay đảnh lễ, nghe kinh sống theo lời kinh dạy, nhất tâm niệm Phật, tạo cho từ trường ngôi nhà hưng vượng, an hòa

Thành Phật là tâm an vui tự tại, vì Phật là giác, giác thì không mê, thanh tịnh không nhiễm ô, tâm tịnh cõi Phật tịnh

Sau đây Khải Toàn xin chia sẻ 10 lưu ý khi lập bàn thờ Phật và pháp tu căn bản

1) VÌ SAO NÊN LẬP BÀN THỜ PHẬT
CHƯA ĐỦ TUỔI THỜ PHẬT THỜ GIA TIÊN!
2) Ý NGHĨA THỜ PHẬT
ĐI CHÙA CẦU DANH LỢI CÓ NHƯ PHÁP
3) KHÔNG GIAN THỜ
CHỌN KHÔNG GIAN THỜ PHÙ HỢP HOÀN CẢNH
4) CHỌN VỊ PHẬT ĐỂ THỜ
TƯỢNG PHẬT LÀ BIỂU PHÁP
5) PHÁP KHÍ BÀN THỜ PHẬT
6) LẬP BÀN THỜ PHẬT VÀ GIA TIÊN
THỜ CHUNG HAY THỜ RIÊNG
BÀN THỜ ĐẶT THẤP
7) NGHI THỨC VÀ AN VỊ BÀN THỜ PHẬT
8) LỄ NGHI & HÀNH TRÌ BÀN THỜ PHẬT
Về lễ nghi bàn thờ Phật
9) PHÁP MÔN NIỆM PHẬT
4 DUYÊN THÀNH PHẬT
10) NHÀ CÓ BÀN THỜ, PHẬT GIA HỘ
  4 BƯỚC KHẤN NGUYỆN MỖI SÁNG
NGHE GIẢNG KINH LÀ PHÁP MÔN PHÙ HỢP
KHUYẾN THIỆN NGHE GIẢNG KINH THẬP THIỆN
CHẤP VÀO PHÁP PHẬT LÀ NGƯỜI MÊ
NHẤT TÂM NIỆM PHẬT

Nhất tâm niệm Phật, chuyên tâm nghe giảng kinh là phương pháp thành Phật, nhà có được bàn thờ Phật là có phước duyên, là tăng thượng duyên cho sự tu hành, trong ta có sẵn Phật tánh là thân nhân duyên, ta duyên theo lời dạy trong kinh, duyên theo câu niệm Phật là Sở duyên duyên, ngày ngày hành trì miên mật không gián đoạn là Vô gián duyên, đủ 4 duyên sẽ thành Phật

1) VÌ SAO NÊN LẬP BÀN THỜ PHẬT TẠI NHÀ

Lập bàn thờ Phật, tuy chưa thành Phật nhưng có thể giúp người giảm nghiệp thêm phước, vì ngày ngày huân tập theo lời dạy Phật, trong những lời dạy ấy, Thập thiện nghiệp đạo Kinh là nền tảng thành người thiện, gần đây Khải Toàn có trình bày về 10 Thiện dạy trẻ, nhà có thêm bàn thờ Phật là duyên lành để con trẻ cùng đảnh lễ

Thờ phụng hay thờ phượng không có đúng sai, hợp lý hợp sự là như pháp, vì thờ phụng được người xưa truyền lại, mỗi văn hóa vùng có những nghi lễ và hình thức khác nhau
Khải Toàn luôn khuyên rằng, mỗi gia đình nên có một phòng thờ, một bàn thờ hoặc một không gian nhỏ đặt tượng Phật tranh Phật để cung kính, điều này vô cùng ý nghĩa

Khi bạn lập gia đình, đủ điều kiện ra ở riêng, dù là nhà thuê hay mua được một ngôi nhà nhỏ, tự mình lập một bàn thờ, tự nhiên bạn cảm thấy mình thật trưởng thành trong tâm thức, tự nhiên thấy tâm mình hân hoan, bên trong tâm mách bảo mình đã làm một việc rất đúng đắng hằng mong ước lâu nay

Nhà có bàn thờ Phật là một ngôi nhà ấm cúng

Nhà có bàn thờ Phật là một ngôi nhà ấm cúng, vì cúng mới ấm, không những thế, bàn thờ là nơi giúp tâm hướng thiện, cầu nguyện, sám hối, được chư Phật gia hộ

Có người bảo “tôi tin mình, tôi mạnh mẽ kiên cường, Phật tại tâm, không cần thờ gì hết”
Xin thưa, ý nghĩ ấy chỉ vừa đủ nhưng thiếu tròn đầy, bản thân bạn mạnh mẽ đến nhường nào, khi rơi vào hố sâu khổ nạn, bạn cầu ai! phải chăng cầu trời khẩn Phật

Lại nữa, bạn không có ở nhà, người thân bạn đau khổ, có bàn thờ để họ nhiếp tâm khấn nguyện, vẫn hơn là cầu thầm trong hư không, nhất là với người sơ phát tâm, một bàn thờ bằng hình tướng vẫn hơn sự tưởng tượng

Và quan trọng không kém, ngày ngày thắp hương khấn nguyện, chư Phật linh ứng, không phải khi gặp chuyện mới nghĩ tưởng đến Phật, điều này Khải Toàn đã từng chứng kiến và những chia sẻ của nhiều vị gia chủ, về sự linh ứng với Phật

Vì thế khi trong ngôi nhà có một bàn thờ Phật, dù lớn hay nhỏ, vẫn là một điều rất đặc biệt giúp tâm an, giúp tâm theo hạnh Phật, giữ tâm ý làm lành tránh dữ, gần bạn hiền xa bạn ác, nhất tâm tu sửa tâm tánh, đoạn ác tu thiện

Bàn thờ trong nhà chính là một loại phong thuỷ tốt, vì nơi ấy nuôi dưỡng tâm từ bi, tâm bố thí, tâm nhẫn nhục của chủ nhà

Pháp vị này không phải ai cũng có thể cảm nhận, chỉ những người đã nếm pháp vị ấy, đã trải qua, trong ngôi nhà có một bàn thờ trang nghiêm thanh tịnh mới có thể thấu cảm

CHƯA ĐỦ TUỔI THỜ PHẬT THỜ GIA TIÊN!

Lại có người bảo “người nhà nói chưa đủ tuổi thờ Phật”, đây là một quan niệm mê tín, vì không có Kinh điển nào ghi chép về tuổi thờ Phật, thờ Phật là theo hạnh Phật, muốn tâm an, muốn được giác ngộ như ngài, đã mong cầu giác ngộ thì không phân tuổi tác

Một số vùng miền có văn hóa thờ gia tiên, phải là trưởng nam, phải là ngôi nhà chính mới được thờ gia tiên

Khải Toàn xin thưa, ông bà mình đã tái sinh tự khi nào, nếu chưa siêu thoát, sẽ thường xuyên về báo mộng cho một người thân trong gia đình

Mặt khác, nếu ông bà đang ở cõi tạm, khi con cháu cúng kiếng mời ông bà về, về hay không là quyết định của ông bà, không phải của người có bàn thờ mời. Nếu bạn là một người quan trọng, mỗi dịp lễ tết, nhiều người cùng mời bạn đến dự tiệc, việc đi hay không là quyết định của bạn, đó chính là ý nghĩa ấy

Việc thờ gia tiên là tưởng nhớ, càng không phải cầu khẩn, con cháu ai tưởng nhớ, có lòng, có thể lập một bàn thờ đơn giản, với bài vị nhỏ, trước là tưởng nhớ, sau là làm gương và duy trì nét đẹp văn hóa cho con cháu noi theo

Vì thế không phân biệt phải trưởng nam mới thờ, phải đủ tuổi mới thờ được, việc thờ phụng là văn hóa mỗi vùng, ví dụ miền Bắc chú trọng bát hương, miền Nam chú trọng tượng Phật, không cố định

Chúng ta thờ phụng bàn thờ Phật hay bàn thờ gia tiên, tùy vào hoàn cảnh, được người trong nhà đồng thuận, bàn thờ trang nghiêm, hợp lý hợp tình là như pháp

2) Ý NGHĨA THỜ PHẬT

Mọi nghành nghề đều có phương trình, học làm người thiện cũng thế, Kinh Phật là kim chỉ nam, là giáo dục nhân quả, giúp người hướng thiện, có đời sống an vui, lời thiện trong kinh giúp lưu vào A-lại-da thức, cái kho chứa mọi chủng tử, tạng thức ấy chứa thiện nhiều sẽ về cõi thiện

Người hướng Phật mỗi tháng đi chùa đôi ba lần, thậm chí mỗi tuần đi viếng chùa vài lần, vẫn không thể nào sánh bằng ngày ngày đứng trước bàn thờ tại gia khấn nguyện

Vì tượng Phật ở chùa hay ở nhà đều như nhau, không có ông Phật ngồi trong ấy, tượng Phật đại biểu cho đức hạnh của Phật, là biểu tượng

Thờ Phật là tôn thờ đức hạnh của các ngài, là thờ cái tâm thanh tịnh của chính chúng ta

Những gia đình người Hoa thường thấy, trước cửa có bàn thờ thiên, ngay gian phòng khách là một loạt bàn thờ trên cao, Thờ Phật, thờ Gia tiên, thờ Thần, và sau nhà có bàn thờ ông Táo, ngụ ý rằng, trước nhà giữa nhà sau nhà, đều có những vị canh giữ, gia hộ và dòm ngó chúng ta, đừng có làm chuyện sai quấy

ĐI CHÙA CẦU DANH LỢI CÓ NHƯ PHÁP

Gần đây có một vị gia chủ trẻ thành công đến thăm, anh bảo “em mỗi tuần đôi lần đi các chùa, cầu công việc và bình an”, Khải Toàn bảo hãy cẩn trọng, cầu tài cầu danh cầu tự có thể cầu Thánh cầu Thần, không nên cầu Phật, ngài không có quyền năng ấy

Đi chùa viếng Phật hay nhà có bàn thờ Phật giúp tâm hướng điều thiện, phát nguyện sống theo đức hạnh, sống theo lời dạy của ngài qua Kinh điển, qua tam tạng thánh giao, không phải đứng trước tượng Phật cầu khẩn danh lợi, vì Phật có không có quyền năng ấy, ngài là vị thầy, công việc của ngài là giáo hóa chúng sanh, nên được xưng danh Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, ý nghĩa là cung kính vị thầy cao quý giác ngộ đầu tiên

Vì thế trong nhà có bàn thờ Phật, người nhà sống theo hạnh Phật, là một ngôi nhà có phúc khí, được chư Phật Bồ-tát gia hộ

3) KHÔNG GIAN THỜ

Chọn một nơi thờ phụng thật không dễ, nhất là diện tích nhà ở TP lớn khiêm tốn, càng khó chọn hơn khi ở căn hộ, Khải Toàn gặp rất nhiều câu hỏi về nơi đặt bàn thờ, chọn tượng, pháp khí, nghi thức an vị…

Đầu tiên chúng ta xác định, lập bàn thờ Phật giúp tâm hướng thiện, bàn thờ trang nghiêm phù hợp không gian, mọi việc còn lại là thứ yếu, như đặt hướng nào, bàn thờ to nhỏ, pháp khí ra sao, có đủ tuổi để thờ Phật hay không, tất thảy là hình thức

Không gian đặt bàn thờ không cần quá to, một góc nhỏ là được, nếu đợi có nhà to, có phòng riêng mới thờ, thì có người cả đời vẫn không được như thế

Những lưu ý khi chọn nơi đặt bàn thờ

– Không nên đối diện các loại cửa khí, ở nơi yên tĩnh càng tốt, vì thờ Phật là nơi thanh tịnh, ta có thể khấn nguyện, ngồi thiền, đọc kinh, niệm Phật, tại không gian thanh tịnh này, nếu đối diện cửa khí, gió mạnh sẽ ảnh hưởng tinh thần và sự thanh tịnh

– Bàn thờ không nên dưới nhà vệ sinh ở tầng trên, và tầng trên cũng không nên có giường ngủ đè lên, điều này giúp giữ sự tôn nghiêm
– Tránh gần nơi ô uế, tránh gần hay sát nhà vệ sinh, thùng rác, vì những nơi này có mùi khó chịu, tuy nhiên nếu nhà quá nhỏ mà vẫn muốn thờ nên dùng vách hay rèm tách biệt không gian
– Tránh đặt bàn thờ, tượng Phật trong phòng ngủ, vì phòng ngủ là nơi riêng tư, sự ăn mặc cũng thoải mái, vì thế sẽ thiếu sự tôn nghiêm
– Không nên để bàn thờ quá cao, nên nhìn thấy tượng Phật, tránh phải bắt ghế cao khi thắp nhang. Cũng không nên để bàn thờ quá thấp dưới bụng khi đứng, mất vẻ tôn nghiêm

Chư vị có thể thờ chung 1 bàn thờ Phật cùng gia tiên, tượng Phật nên có đôn cao hơn 1 tí với bài vị

Những gia đình có điều kiện về không gian, dành hẵn 1 tầng trên cùng làm phòng thờ, điều này chỉ hợp tình khi gia chủ là người có tín tâm, tinh tấn, nếu giải đãi sẽ lười leo lên tầng cao, ít lui tới thắp nhang thỉnh chuông, khiến gian phòng thờ thiếu sinh khí

Khải Toàn thường khuyên gia chủ, nếu sơ phát tâm, nên chọn 1 vị trí phù hợp dưới tầng trệt, đặt 1 bàn thờ Phật, vì mỗi ngày ta dễ dàng đãnh lễ Phật, thắp hương dâng hoa cho Phật, và đặc biệt nhà có con nhỏ, khuyến thiện chúng lạy Phật, sống theo hạnh Phật. Nếu bảo con nhỏ leo lên tầng cao để lạy Phật chúng sẽ khó lòng vui vẻ, vì thế chư vị nên tùy thuận hoàn cảnh và tư duy

Chọn một không gian thờ, dù là đặt bàn thờ to, hay một bức tượng nhỏ, một bức tranh Phật, cũng nên làm một cách chỉnh chu, trang nghiêm, không cần phải quá trang trọng hay tượng lớn, hãy tùy thuận hoàn cảnh mình đang có

Cuối cùng, khi có được một không gian thờ phụng, ngày ngày nên khấn nguyện, trì chú, niệm Phật, ngồi thiền, phải giữ cho không gian thật sạch sẽ và trang nghiêm, cùng tâm thức thanh tịnh, có như thế ngôi nhà sẽ ấm cúng, chư Phật Bồ-tát gia hộ

 

4) CHỌN VỊ PHẬT NÀO ĐỂ THỜ

Chọn vị Phật để thờ phụng không có pháp cố định, không phân biệt độ tuổi, tùy tâm ý và duyên của mỗi người, cũng có thể giai đoạn sơ phát tâm thờ vị này, đến giai đoạn sau thờ vị khác

Chọn vị Phật nào để thờ, tùy vào sự phát tâm của chư vị trong giai đoạn hiện tại, mỗi giai đoạn sự khai ngộ của chúng ta khác nhau, vì công phu tu tập mỗi lúc một tiến bộ

Khải Toàn xin chư vị lưu ý, nên thỉnh tượng mới, nếu là tượng cũ nên biết rõ nguồn gốc, tránh linh khí có trong tượng không rõ nguồn gốc

Nếu chọn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chư vị theo hạnh của ngài là ở lại cõi này giúp đỡ chúng sanh, tuy nhiên trước khi độ tha ta phải tự độ chính mình, giúp mình khai ngộ, trước khi giúp người

Nếu chọn tượng Quán Thế Âm Bồ-tát, hạnh của ngài là Từ Bi, từ bi bao hàm nghĩa rất rộng lớn, cứu người thoát khổ, giúp người an vui là từ bi, không thấy lỗi người, không làm người oán là từ bi, khéo giữ khẩu nghiệp là từ bi

Nếu chọn tượng Địa Tạng Vương Bồ-tát, ngài đại biểu cho xông pha vào chốn nguy, vào địa ngục cứu người, chư vị theo hạnh ngài, cứu người trong mọi hoàn cảnh, dù người ấy có trả ơn hay báo oán ta cũng vẫn hoan hỉ

Có người lại chọn Thờ 3 tượng Tây Phương Tam thánh, có người chọn tượng Phật A Di Đà, Phật A Di Đà là Phật của chư Phật, phương Tây cực lạc là cõi tịnh, nơi thượng thiện nhân câu hội, ta không thiện không thể về cõi này

Người thờ Phật A Di Đà muốn vãng sanh về cõi tịnh, phải lấy Thập thiện làm căn bản, lấy Lục độ hạnh Bồ-Tát cứu độ chúng sanh, lấy câu niệm A Di Đà Phật ngày đêm không gián đoạn, mong ngày về cõi Phật được làm Phật còn gì an lạc hơn

TƯỢNG PHẬT LÀ BIỂU PHÁP

Tóm lại, chư vị chọn bất kỳ hình tướng vị Phật nào để thờ phụng, nên phát tâm theo hạnh của vị Phật ấy, tượng Phật chỉ đại diện, tượng là biểu pháp, không có Phật trong tượng Phật

Để đến bờ giác ngộ, sống theo hạnh của vị Phật mình thờ phượng, chư vị cần công phu tu học, không thể tự chốc lát giác ngộ như các ngài, công phu tu học qua tam tạng thánh giáo, học và nghiên cứu Kinh, tư duy, y theo lời Kinh, sẽ đến bờ giác

Chọn 1 vị Phật để thờ là biểu pháp, công năng thật sự là chúng sinh ta phát nguyện thành Phật, thành Phật là tâm giác ngộ, giác thì không mê, chánh thì không tà, tịnh thì không ô nhiễm

Bàn thờ, tượng Phật và lời kinh là tăng thượng duyên, nghe giảng kinh 10 thiện, làm theo lời kinh là sở duyên duyên, chư vị có con trẻ, muốn thêm duyên thiện cho chúng, hãy nghe bài 10 thiện dạy trẻ, Khải Toàn đã biên soạn giúp cha mẹ kết duyên lành pháp Phật với chúng

Người sơ phát tâm hãy chọn cho mình một vị Phật, ngày ngày niệm Thiện pháp, tư duy quán xét Thiện pháp, sẽ có phong thuỷ tốt, vì từ trường của người thiện có hào quang do chư Phật gia hộ

5) PHÁP KHÍ BÀN THỜ PHẬT

Pháp khí bàn Thờ Phật khác với thờ Thần, thờ gia tiên, cần sự trang trọng

Trên bàn thờ Phật có những gì!

Thiên bộ Thần nói về Chư Phật, các vị Phật Bồ-tát, ví dụ Phật Thích Ca, Quán Thế Âm Bồ Tát, Phật A Di Đà… chọn pháp khí nên bằng đồng là thích hợp, có thể dùng đồ màu vàng kim hoặc trắng, bát nhang, bình hoa, ly cũng như thế

Những pháp khí cơ bản trên bàn thờ Phật gồm có 1 bát nhang, 1 cặp đèn, 3 chung nước, bình hoa và dĩa trái cây có thể 2 cái tùy không gian bàn thờ

Ngoài cặp đèn 2 bên, có thể thêm ánh sáng cho cả không gian bàn thờ, kèm thêm đèn hào quang, đèn phía sau tượng Phật, và cả 1 cặp đèn cầy (nến)

Về mặt ý nghĩa, đèn đại diện cho trí tuệ, đèn cầy đại diện cho xả thân mình cứu độ chúng sanh, vì nến phải đốt mới phát ánh sáng
Nước đại diện cho thanh tịnh, an lành
Hoa đại diện cho vô thường, vạn vật luôn chuyển biến sinh diệt
Và trái cây dâng cúng Phật đại diện cho nhân quả, mọi sự việc trong đời từ nhân rồi thành quả, nhân thiện sẽ gặp quả thiện

Ngoài những pháp khí trên, có thể thêm chiếc chuông chiếc mõ, âm thanh của chuông mõ đại diện cho tỉnh thức.

 

6) LẬP BÀN THỜ PHẬT VÀ GIA TIÊN

Các phần trước Khải Toàn chia sẻ lập bàn thờ Phật, phần này bổ sung bàn thờ gia tiên nếu chư vị chưa có

Tùy văn hóa mỗi vùng, chư vị mở lòng thờ gia tiên, để tưởng nhớ họ, nhắc nhở con cháu nhớ cội nguồn, đừng vì e sợ không dám thờ, đừng nặng tâm lý vì mình không phải con trưởng, mình chưa đủ tuổi

Thời nay con cháu đều ở riêng và sống xa nhau, mỗi gia đình có thờ ông bà cha mẹ đã mất là nét đẹp văn hóa người Việt, để tưởng nhớ họ, mỗi dịp giỗ cúng kiếng, mình khấn nguyện và mời gia tiên về ăn bữa cơm, họ có về hay không là quyền quyết định của ông bà cha mẹ, không phải người con trưởng mới mời được họ

Trong cuộc sống thường ngày, gia đình giữ đạo, sống thiện lành, dù là con trưởng hay con thứ, ông bà đều phù hộ

Mỗi gia đình sống riêng, có bàn thờ gia tiên trong nhà, sau này con cháu chúng ta y theo văn hóa đẹp ấy, giữ lễ nghi thờ phụng, không nhất định phải là người con lớn mới được thờ

Bàn thờ gia tiên cũng gần như bàn thờ Phật, 1 cặp đèn, 3 chung nước, 1 bình hoa và dĩa trái cây, 1 bát nhang, nên chọn đồ gốm sứ

Về ảnh thờ, có gia đình thích chọn ảnh to, có nhà chọn ảnh nhỏ, có nhà không chọn ảnh, chỉ để 1 bài vị ghi Cửu huyền thất tổ, tất cả như pháp. Nhà để ảnh quá to, bàn thờ ngay phòng khách, không khéo làm con cháu và khách đến thăm ái ngại, việc này tùy tâm ý mỗi người

THỜ CHUNG HAY THỜ RIÊNG

Đặt 1 bàn thờ chung hay 2 bàn thờ, bàn thờ treo tường thì sao cho đúng pháp! Khải Toàn xin thưa, không có pháp cố định, tùy hoàn cảnh nhân duyên

Về không gian, nếu gian thờ đủ to, nhà cửa rộng đủ chổ, có thể tách biệt 2 bàn thờ, nhìn từ ngoài vào, bên phải là bàn Phật, bên trái là gia tiên
Nếu chung 1 bàn thờ, vẫn từ bên ngoài nhìn vào, khu vực thờ Phật bên phải, gia tiên bên trái, nhưng lưu ý có đôn cho tượng Phật cao hơn tranh ảnh bài vị gia tiên tầm 5 đến 10cm

Cũng có thể tầng trên là bàn Phật, tầng thấp hơn là bàn thờ gia tiên, điều này áp dụng cho cả bàn thờ treo tường

Nhất là căn hộ, không gian hạn chế, thường dùng bàn thờ treo tường, khi dùng bàn thờ treo nên lưu ý, không nên quá cao, khi đứng nên nhìn thấy mặt tượng Phật, cũng không nên quá thấp dưới ngực

BÀN THỜ ĐẶT THẤP

Bàn thờ to, bàn thờ treo tường và cả bàn thờ Phật đặt thấp, phù hợp cho 1 không gian riêng tư nhỏ, kết hợp ngồi thiền đọc kinh niệm Phật

Khải Toàn xin chư vị lưu ý khi đặt bàn thờ thấp, không nên dưới ngực người lúc ngồi, bàn thờ loại này phù hợp cho nhà có không gian nhỏ, muốn tìm 1 không gian để tu tập mỗi ngày, bàn thờ loại này tối giản, chỉ cần 1 tượng Phật, 1 chiếc chuông chiếc mõ là đủ

Lập bàn thờ Phật và gia tiên như thế nào cho đúng, tùy vào hoàn cảnh chư vị về không gian và mong muốn, cũng như điều kiện kinh tế, nhất là có được sự đồng thuận những người sống trong nhà là quý nhất

Nhà có bàn thờ Phật giúp không gian sống ấm cúng, tâm người thờ hướng đến sự giác ngộ, sống theo hạnh của Phật, vì thế thỉnh tượng Phật gì, pháp khí ra sao, bàn thờ lớn nhỏ đều là hình tướng

 

7) NGHI THỨC VÀ AN VỊ BÀN THỜ PHẬT

Nghi thức lập bàn thờ Phật và an vị tuy đơn giản nhưng phải trang nghiêm, không được qua loa

Khải Toàn xin chư vị lưu tâm, tượng Phật và pháp khí là hình tướng, không phân lớn bé, bàn thờ chung có cả Phật và gia tiên bao nhiêu bát nhang cũng thế, miền Bắc chú trọng bát nhang, miền Nam chú trọng tượng Phật, chính yếu là tâm chư vị chân thành, nơi thờ trang nghiêm, ngày ngày hành trì kinh điển

Khi thỉnh tượng Phật về, nếu có điều kiện nên gửi tại một ngôi chùa để gia trì sái tịnh, đây là một nghi thức giúp tượng thêm năng lượng lành, chư vị nên thỉnh tượng mới là tốt nhất, nếu là tượng cũ nên biết rõ nguồn gốc ai đã thờ, tránh linh khí có trong tượng không rõ nguồn gốc

Chúng ta chọn một ngày hành âm để an vị tượng, tức vào các ngày Sửu Mão Tỵ Mùi Dậu Hợi, có thể chọn mùng 1 hoặc ngày rằm

Những ngày trước đó đã bài trí bàn thờ đủ pháp khí và trang nghiêm, hôm an vị bàn thờ, nên có Hoa tươi, trái cây, nến và nước, khi cúng Phật chỉ nên cúng hoa và trái cây, có thể thêm bánh ngọt là đủ, vì sính lễ là biểu pháp

Tắm rửa thân, tâm hoan hỉ, trang phục chỉnh chu trong buổi thắp hương an vị bàn thờ Phật

Văn khấn an vị bàn thờ Phật Khải Toàn khuyến nghị, chư vị đặt trọn tâm lành của mình vào khi khấn, xin chư Phật Bồ-tát gia hộ

 

8) LỄ NGHI & HÀNH TRÌ BÀN THỜ PHẬT

Ngôi nhà có một phòng thờ hay một góc thờ Phật nhỏ, mang ý nghĩa rất đặc biệt, càng ý nghĩa hơn khi gia chủ ngày ngày đảnh lễ chư Phật, đó chính là ngôi nhà có phong thuỷ tốt, do chính gia chủ vun đắp từ tâm ý lành

Khi chúng ta chấp tay cúi đầu cung kính một ai đó, hành động này gọi là “Hiệp thập”, một hành động cung kính người, chấp tay hạ mình cúi chào giảm đi sự chấp ngã, dù người ấy lớn hay bé

Người hạ được chấp ngã là người tu pháp nhẫn nhục Ba-la-mật, một pháp môn trong lục độ hạnh Bồ-tát

Chấp tay cúi đầu cung kính đảnh lễ Phật còn vi diệu hơn, chấp ngã hạ xuống, tâm cung kính hạnh chư Phật, miệng niệm hồng danh chư Phật, 1 hành động thu nhiếp 3 nghiệp thân miệng ý

Hành là làm, trì là giữ, mỗi ngày ít nhất 1 lần đến bàn Phật, chấp tay đảnh lễ Phật và niệm A Di Đà Phật, nếu có chuông mõ, thỉnh 3 hồi chuông mõ, âm thanh này không chỉ hóa sát không gian sống, còn có thể giúp từ trường trong ngôi nhà thêm sinh khí, giúp tâm tỉnh thức, nhắc nhở ta lìa ác tu thiện

Người tinh tấn hơn dành 1 thời khóa nhất định, có thể trì chú, đọc tụng Kinh, sám hối, ngồi thiền, niệm Phật… ngày ngày như thế không gián đoạn là hành trì

Về lễ nghi bàn thờ Phật

Những ngày rằm và mùng 1, hay những ngày Phật sự, chúng ta có thể dâng hoa, trái cây, đốt nến, cúng đồ ăn chay, giúp không gian sống trang nghiêm, từ trường hưng vượng, tâm hoan hỉ

Lễ nghi thờ Phật phong phú đa dạng, tùy tâm ý chư vị, tùy chư vị thờ vị Phật nào, theo hạnh nguyện của ngài, có những bài kinh theo hạnh của vị Phật Bồ-tát ấy

Sính lễ là hình thức, lễ nghi cũng là hình thức, tâm chân thành của chư vị là nhất, và nhất định hành trì miên mật không gián đoạn

 

9) PHÁP MÔN NIỆM PHẬT

Bước đầu sơ học phát tâm đi chùa, ngồi thiền, niệm chú, đọc kinh, nghe pháp thoại… tất thảy là phương pháp giúp tâm đôi phần thanh tịnh, người sơ học phát tâm tu sửa tâm tánh, trong nhà có bàn thờ Phật là phương tiện nhiếp tâm, nhắc nhở thu nhiếp 3 nghiệp thân miệng ý không tạo nghiệp bất thiện

Mọi nghành nghề thế gian cần phương trình, phương tiện, muốn học theo hạnh Phật, muốn giác ngộ cũng như thế, ban đầu đọc kinh, đi chùa, ngồi thiền, niệm chú, nghe pháp, về sau nên tự quán xét lại, sau bao tháng năm tu sửa, mình có tiến bộ hay chưa, tiến bộ được bao nhiêu phần, phiền não có giảm nhẹ hay không, có cần thay đổi phương pháp và thời gian hành trì để khai ngộ

Chư vị nên biết, những pháp môn trên thật khó để người hạ căn chúng ta khai ngộ, lìa khổ được vui, bản thân Khải Toàn đã trải qua những năm tháng ấy, từ người gặp khổ nạn, tìm đến thiền định và pháp Phật như một liều thuốc an tâm tạm thời, nhưng rất lâu tiến bộ

Vì sao

Vì tâm chúng ta quá đỗi xao động, mê mờ, dễ bị cám dỗ, những chủng tử bất thiện chứa quá nhiều quá nhiều trong A-lại-da thức, và cơm áo gạo tiền gia đạo chiếm hết tâm trí, người hạ căn chúng ta nghe 10 nhớ 1, thật không thể nào giác ngộ khi ngồi thiền, trì chú, đi chùa, đọc kinh

Lão H.T PS Tịnh Không chỉ dạy, người thời nay tham thiền niệm chú không linh, Tu Thiền rất khó đạt đến sơ thiền, huống chi đến quả vị nhị tam tứ thiền. Pháp môn Mật Tông lại còn khó hơn gấp vạn lần, Mật Tông dành cho người thượng căn, nói 1 hiểu trăm, buông xuống triệt để danh lợi

Lời Lão H.T PS Tịnh Không dạy không khó để tin, vì ngày nay không tìm được người Tu Thiền Tu Mật thành tựu, ngài khuyên người tại gia niệm Phật, vì pháp môn này khó tin nhưng dễ hành, hành trì miên mật sẽ thành tựu

Bản thân Khải Toàn không khuyên người qui y, không khuyên người xuất gia, chỉ khuyên người học kinh, nghe chú giải kinh và nhất tâm niệm Phật

Nghe chú giải kinh để tư duy, quán xét, tâm rộng mở, tìm lại Phật tánh, cái tánh vốn có chẳng sinh chẳng diệt, khi tâm khai ngộ dễ dàng thâm nhập pháp môn niệm Phật

Tịnh Độ Tông lấy 3 bộ kinh làm nền tảng, kinh A Di Đà, Vô Lượng Thọ, và Quán Vô Lượng Thọ, chư vị nghe giảng, duyên theo lời kinh, nhất tâm niệm Phật, đây là phương pháp là hành trang về cõi tịnh

4 DUYÊN THÀNH PHẬT

Thân nhân duyên là cái duyên sẵn có trong mỗi chúng sanh, chúng ta vốn có tánh thiện, tâm vốn thanh tịnh, ngoài thân nhân duyên ta còn sẵn có một cái duyên khác, là tăng thượng duyên, tượng Phật kinh Phật là tăng thượng duyên, đời này gặp được pháp Phật quả là duyên lành

Ta có đủ 2 duyên còn lại để duyên theo pháp Phật hay không, hay mãi duyên theo thị phi nhân ngã, danh lợi

Nhất tâm niệm Phật, chuyên tâm nghe giảng kinh là phương pháp thành Phật, nhà có được bàn thờ Phật là có phước duyên, là tăng thượng duyên cho sự tu hành, trong ta có sẵn Phật tánh là thân nhân duyên, ta duyên theo lời dạy trong kinh, duyên theo câu niệm Phật là Sở duyên duyên, ngày ngày hành trì miên mật không gián đoạn là Vô gián duyên, đủ 4 duyên sẽ thành Phật

 

10) NHÀ CÓ BÀN THỜ, PHẬT GIA HỘ

Trong nhà có bàn thờ Phật, ngày ngày đảnh lễ chư Phật Bồ-tát gia tăng công đức, không phân biệt bàn thờ lớn bé, tượng Phật to nhỏ, thậm chí là một góc nhỏ có một bức tượng Phật nhỏ, vẫn có thể giúp ta nhiếp tâm niệm Phật, nhớ nghĩ Phật

4 BƯỚC KHẤN NGUYỆN MỖI SÁNG

Bàn thờ Phật là phương tiện, hành trì là phương pháp, giả dụ mỗi sáng Khải Toàn tĩnh tọa thiền định và khấn nguyện, 4 bước khấn nguyện mất vài phút mang lại năng lượng thật kỳ diệu trong bao năm qua

Bước 1 biết ơn ơn trên trời đất chư Phật Bồ-tát gia hộ, bước 2 nghĩ đến vạn điều lành cho chúng sanh, bước 3 mong muốn đạt thành tựu giúp mình giúp người, bước 4 nghĩ về một ngày tràn đầy tình yêu thương và năng lượng lành

Chư vị thực hiện 4 bước khấn nguyện mỗi sáng, ví như những nhà khoa học nghiên cứu về 30 phút đầu tiên mỗi sáng quyết định vận khí cả ngày, nghĩ thiện sẽ gặp việc thiện, lo sợ buồn chán sẽ gặp điều không may

Người có vận khí kém, gặp bao khổ nạn, trước là sám hối trước tượng chư Phật Bồ-tát, sau là mỗi sáng khấn nguyện, vận khí sẽ mau chóng thay đổi, vì chư Phật Bồ-tát thấu cảm tâm chân thành, ta cầu việc sẽ ứng

KHUYẾN THIỆN NGHE GIẢNG KINH THẬP THIỆN

Bản thân Khải Toàn đã khảo nghiệm và khuyến thiện người, có thể niệm Phật, nhất tâm niệm Phật, nhưng nhất định phải nghe giảng chú giải kinh, có thể nghiên cứu kinh, đây là con đường thích hợp nhất với người Việt chúng ta

Bởi vì, khi đọc tụng Kinh Hán Việt ta không hiểu, Thiền thì tâm tán loạn, đi viếng chùa tâm an được vài mươi phút, thậm chí cộng tu ở chùa sanh thị phi, nghe pháp thoại quá nhiều thành nghe tạp không nhớ gì

Vì thế nghe giảng chú giải một bộ kinh nhất định trong nhiều năm, là phương tiện thiện xảo cho người Việt chúng ta trên đường Bồ-đề. Thập Thiện nghiệp đạo Kinh là nền tảng căn bản đến vi tế, phù hợp mọi căn cơ chúng sanh

Mỗi một lời kinh vị thầy trí tuệ giảng trăm ngàn ý, ta thu nhiếp được ý nào hợp căn cơ vào tạng thức thì tốt, lâu ngày ta tích lũy nghiệp thu nạp lời lành từ kinh, tích tiểu ngộ thành đại ngộ, tích đại ngộ thành đại triệt đại ngộ chính là phương pháp này

“Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, khi ta học ở thầy, không học mỗi kỹ năng, ta học cả hành vi của vị ấy, nếu ta chính là người thầy, hành vi của ta là tấm gương để người noi theo, ta có thể là người thầy bất kỳ người nào, là người thầy của con cháu, và khi soi gương, ta chính là người thầy của ta, hành vi từ 3 nghiệp thân miệng ý sẽ phản ánh con người hiện tại, Kinh Thập Thiện là phương tiện chỉ dạy 10 nghiệp thông qua mọi hành vi của chúng ta

CHẤP VÀO PHÁP PHẬT LÀ NGƯỜI MÊ

Có vị chân thành hỏi “vì sao theo Phật rồi mà còn nghĩ đến phong thuỷ”, Khải Toàn xin thưa, phong thuỷ là phương tiện như bao nghành nghề khác, phong thuỷ là từ trường, người theo Phật vẫn phải sinh sống làm ăn, mặc áo ăn cơm, theo Phật nhưng vẫn còn phàm phu, chưa thành Phật thì còn chịu sự chi phối bởi âm dương, từ trường môi trường, chịu chi phối bởi nắng mưa nóng lạnh và nhân quả

Người theo Phật chấp vào pháp Phật là nhất vẫn về 3 cõi tam ác đạo, vì 84 ngàn pháp môn qui về tu tâm thanh tịnh, xả bỏ chấp ngã, tùy thuận hoàn cảnh

Vì thế, chư vị làm tròn bổn phận hiện tại của mình trong gia đình và xã hội là đúng với lời dạy của Phật, dành thêm thời khóa nghe giảng kinh, không thấy lỗi thế gian, khéo giữ 3 nghiệp thanh tịnh là khéo tu

Dù bất cứ pháp môn nào, hãy tự quán xét xem mình có tiến bộ trên đường đạo hay chưa, phiền não giảm mấy phần, trí tuệ tăng ra sao, đời sống còn bao khổ nạn

Nhất tâm niệm Phật, chuyên tâm nghe giảng kinh là phương pháp thành Phật, nhà có bàn thờ Phật hay không, trong tâm ta có Phật là có phước duyên, là tăng thượng duyên cho sự tu hành, trong ta có sẵn Phật tánh là thân nhân duyên, ta duyên theo lời dạy kinh điển, tâm duyên theo câu niệm Phật là Sở duyên duyên, ngày ngày hành trì miên mật không gián đoạn là Vô gián duyên, đủ 4 duyên, dủ công phu sẽ thành Phật

Thành Phật là tâm an vui tự tại, khi lâm chung Phật tiếp đón vãng sanh, không còn luân hồi sanh tử

Khải Toàn kính ghi


Khuyến thiện chư vị nghe những bài giảng này

 

Danh mục bài [hiển thị danh mục]


Ngâm chân thảo dược

Khải Toàn Phong thuỷ

• Chánh niệm: “Thành công nhờ kiên trì – Trí tuệ nhờ Chánh niệm”, nghĩa rằng muốn thành công phải thật kiên trì, có những việc thực hiện cả vạn lần, tư duy luôn hướng tới những điều tích cực trong mọi hoàn cảnh sẽ sinh ra trí tuệ.

• Nhân quả: Giả dụ mỗi ngày bạn bỏ vào ống heo 100 ngàn đồng, một năm sau heo sẽ mập, mỗi ngày hành thiền 10 phút, một năm sau tâm trí sẽ thành cây đại thụ an tịnh. Đạo lý này nói lên “quả của hôm nay, hoàn toàn là Nhân của hôm qua”.

• Khải Toàn không phải thầy phong thủy nổi tiếng, dùng kiến thức phong thủy chân chính, dùng khả năng tu tập của bản thân, để trợ duyên những vị đủ duyên và đủ phước để cải vận, trong kết quả luôn kèm theo lời khai thị về sống chân thiện, mở lòng bố thí, khuyến nghị hành thiền, đó là những phương tiện gia tăng vận may ngoài ứng dụng phong thủy

• Phong thủy: là phương tiện trợ duyên giúp công danh thăng tiến. Không gian là phong thủy, tâm lý là phong thủy, sạch sẽ gọn là là phong thủy tốt, tâm trạng phấn khởi là phong thủy tốt, vị nào có tấm lòng vị tha không chấp trước hẵn là người có phúc đức.

| Mời chư vị xem kênh “Khải Toàn Phong thủy” trên Youtube / Tik TiokFacebook |


Bài viết hay liên quan