Khổ từ tâm sinh cũng từ tâm diệt
Khổ từ tâm sinh cũng từ tâm diệt.
Là một người luận mệnh và giúp cải vận, Khải Toàn nhận thấy phong thủy chỉ chiếm ba bốn phần cải biến cuộc sống, sáu bảy phần còn lại chính là sự tu tập và giúp người. Giàu nghèo đều có cái khổ khác nhau, người biết tu tập sẽ biết cách chuyển hóa nỗi khổ, tìm cho mình sự an lạc trong cuộc đời vô thường này.
Gia chủ của Khải Toàn là những người rất bình thường đến những vị giàu có, giàu tri thức. Mỗi người đều có những nỗi khổ khác nhau, chung qui vẫn khổ vì danh vì lợi vì tình cảm.
Con người không ngừng nghĩ đến hôm qua, không ngừng nghĩ đến ngày mai, mà quên đi hiện tại là người dễ rơi vào đau khổ. Các bậc làm cha làm mẹ có ý niệm “tôi phải kiếm thật nhiều tiền lo cho con cái, phải cho con cái có đủ sự xung túc”.
Thế là lao nhọc cả một đời lo cho con, lo cho cháu. Thế nào là nhiều tiền và thế nào là sung túc, kiến thức ta thu nạp trong xã hội ta sống hoàn toàn không giống nhau, người biết dùng trí sẽ hiểu rằng đồng tiền ở nơi này không giá trị bằng nơi khác, sự sung túc sẽ dễ sinh lười biếng ít phấn đấu, người dùng trí sẽ hiểu rằng khi sinh ra tay ta nắm chặt nhưng không có gì, khi nhắm mắt xuôi tay dù có nhét bao nhiêu thứ quý giá cũng không cầm được gì. Chỉ có công đức, những việc ta làm cho chúng sinh mới mãi mãi đọng lại.
Muốn mà không có được cũng khổ, có rồi mất đi cũng khổ, mất đi không buông bỏ cứ tiếc nuối càng khổ, yêu không được hồi đáp là khổ, dù yêu được hồi đáp nhưng không hợp ý cũng khổ. Không có tiền là cái khổ phổ biến, có tiền mà không có sức khỏe cũng khổ, có tiền rồi lao tâm nghĩ cách giữ sợ mất thì càng khổ.
Nổi khổ những người mong muốn có một đứa con, thậm chí có con gái rồi giờ muốn có con trai, có con rồi chúng không phải “tùy sanh hay ưu sanh” mà rơi vào “liệt sanh’ rồi cho rằng mình khổ.
Đời người sinh lão bệnh tử khổ, vượt biển mê cập bờ giác ngộ
Trong Thiền có câu “Đời người sinh lão bệnh tử khổ, vượt biển mê cập bờ giác ngộ“, đời người theo lẽ thường thì phải sinh ra, lớn lên, già, bệnh và chết, sự thay đổi diễn ra mỗi phút mỗi giây, chúng quá nhanh quá chậm khiến ta không nhận ra hay do chúng ta chấp trước vào những sự thay đổi. Trước khi đến được bờ giác ngộ, người đau khổ cần phải vượt biển u mê, để nhận ra, đã là con người làm sao thoát khỏi nghịch cảnh, người khai ngộ nhận biết chân lý của cuộc đời này là vô thường. Tức có sinh ắt có diệt, ngày ta sinh ra sẽ có ngày mất đi, không ai có thể giữ mãi một sự việc, đó là qui luật của vũ trụ, mà con người chúng ta là một sự sống nhỏ bé.
Cái gì gọi là nhân quả? Nhân quả chính là những món nợ mà bạn đã thiếu thiên hạ ở quá khứ, hoặc ở kiếp trước, lại có người bảo “tôi khổ quá, sao bao nhiêu xui xẻo cứ ập đến”, giả dụ trước đây bạn không vay tiền của bất kỳ ai, tự dưng bạn thông báo “tôi có nợ ai hãy nhắc tôi trả”, làm sao có người đến mà đòi.
Vì vậy, nếu đời này phải đối mặt với những đau khổ, mất mát hoặc bệnh tật, là cách trả cho cái nợ trước kia bạn đã gây nên. Mọi người sống trên cuộc đời này dù muốn hay không, không thể tránh khỏi nợ nhân quả. Nhưng chỉ cần chúng ta tu tập, ít muốn biết đủ là đã thực hiện được “tâm bồ đề”, không tạo thêm nghiệp ác, vì căn bản đã không còn nhân quả để bàn luận đến.
Cuộc đời đau khổ hay an lạc của một con người là do sinh thần Bát tự hay do hoàn cảnh? Thuyết nhà Phật cho rằng, trong tiền kiếp khéo ăn khéo nói kiếp này có tướng mạo ưa nhìn, người có dung mạo tốt có thêm 15% cơ hội, sinh ra trong gia đình tốt được thừa hưởng sự giáo dưỡng thiện lành cho thêm 15% cơ hội, môi trường sống chiếm 20%, nhưng 50% còn lại do sinh thần bát tự.
Giả dụ một người có dung mạo xinh đẹp, được giáo dưỡng tốt, sống trong môi trường tốt nhưng vì tham vọng lớn, muốn nhiều và không bao giờ biết đủ, không thể tránh khỏi đau khổ bởi chính dục vọng mình gây ra.
Nghiệp lực
Gia chủ của Khải Toàn có một vị sinh ra trong gia đình giàu có, được đi du học nước ngoài và người này tướng mạo đỉnh đạc, vị này không nối nghiệp gia đình mong muốn, lại đi theo con đường riêng với tham vọng phải chứng tỏ cho cha mẹ thấy mình có đủ năng lực, vài năm đầu công danh thăng tiến, do một vài lần thua lỗ cổ phiếu quá mức, mất tự chủ và xa lánh tất cả mọi người.
Các vị tìm đến Khải Toàn không ít người có được sự thành công về danh lợi khá sớm trong thời gian dài, chính vì liên tục thành công dẫn con người đến sự tự mãn, mất tự chủ và không bao giờ biết đủ, chỉ có thất bại mới có cơ hội giúp bản thân nhìn lại mình.
Con người sống trên cõi ta bà này, không thể tránh được nghiệp lực. Nghiệp lực không chỉ là phiền não, mà còn có cả niềm vui. Tất cả những phiền não và niềm vui ấy chính là sợi dây thừng buộc chặt chúng ta.
Rốt cuộc, sướng hay khổ được quyết định bởi nghiệp lực, những lực hút của danh lợi, của tình cảm, của sự u mê khiến con người tạo nghiệp, tâm trí vô minh, muốn thoát khỏi nghiệp quả này chỉ có thể thông qua con đường tu tập. Tu tập là gì! đó chính là tu tâm dưỡng tánh, chính là sự sửa đổi ý nghĩ điều chỉnh hành vi. Khổ từ tâm sinh cũng từ tâm diệt, tâm bồ đề khởi Khổ mất đi.
Khổ vốn từ tâm mà sinh, giả dụ người đang độc thân cảm thấy buồn, mong muốn có một đối tượng tình cảm, khi có được tình cảm không như mong muốn lại cảm thấy mình không may mắn như người khác rồi lại muốn chia ly.
Người đang có chức vị cao bị mất việc cảm thấy mình kém may mắn, nhờ mất việc nên có cơ hội tìm một việc mới với mức lương cao hơn thì nghĩ rằng hóa ra mất việc cũ là một cơ hội. Tất cả những vui buồn này từ tâm mà sinh từ tâm mà diệt.
Một cô sinh năm 90 kể rằng: “tôi khổ quá thầy ơi, trước đây gia vốn hạnh phúc, bố mẹ hòa thuận, nhưng từ khi người em trai làm ăn thua lỗ, cha trách mắng, mẹ lại bênh vực em trai, thế là họ lạnh nhạt với nhau, tôi bênh vực bố thế là mẹ cũng lạnh nhạt với tôi”. Cái khổ của vị này là muốn thay đổi nhất thời sự việc ngoài khả năng, chưa hiểu sự vô thường, có sinh ắt có diệt, ngày có được tiền của rồi sẽ có ngày mất đi, chấp trước trước sự việc đã qua, chưa hiểu rằng mỗi người đều có nghiệp lực và phước phần khác nhau, những thất bại và mất mát là một phần của cuộc sống, điều tốt nhất vị này có thể làm là hành Thiền giúp tâm định, dùng tình yêu thương của mình để đối đãi bố mẹ cùng một tấm lòng như nhau, không phân biệt bố đúng hay mẹ đúng, phải có lòng từ bi, tâm an tịnh, cả trí tuệ, sự kiên trì, tâm thái hoan hỉ mới có thể độ được tất cả những người thân. Và đừng quên mỗi ngày Nguyện sự an lành đến với chúng sanh.
Cầu nguyện như thế nào
Tùy vào độ tuổi, văn hóa, tín ngưỡng, các vị lựa chọn lời nguyện phù hợp với bản thân.
Ví dụ:
Bước 1 “cám ơn” là cách biết ơn, kết nối những gì ta chỉ “cảm” nhưng không thấy bằng mắt. Bước 2 “cầu cho – nguyện cho” có lòng bao dung, ban phát. Bước 3 “nguyện” cho ta thêm nghị lực vào những mục tiêu đã đề ra.
• Sáng sớm rửa mặt nước lạnh, ngồi xếp bằng & nhắm mắt, hít vài hơi thật sâu chậm rãi và cầu nguyện:
1. Cám ơn “trời, ơn trên, Phật, Chúa…” đã cho con có ngày hôm nay, có những người bên cạnh/ tái sinh/ có những vấp ngã để trưởng thành/ cám ơn vị bảo hộ dẫn lối (có thể dùng hình ảnh thần của tôn giáo riêng)
2. Cầu cho người người tâm thân an lạc,
cầu cho những người bên cạnh/ Cha mẹ/ cô chú dì/ vợ chồng/ con cái/ anh chị em/ bạn bè/ cả những người đã đố kỵ.. Bình an, hòa thuận, may mắn, có lòng giúp người, giác ngộ…
3. Con mong muốn năm này đạt được… / mong muốn giúp đỡ được những người… / nguyện giữ tâm thiện lành.• Mỗi tối (hoặc bất kỳ giờ nào rảnh) ngồi thiền 5 – 10 – 15p, giúp tâm nhẹ, bớt lo toan, nhiều ý tưởng hay. Bài Thiền đơn giản ở có trong web . Khải Toàn kính chúc các vị tâm thân an.
Người đang đau khổ thì nhìn đâu nghe gì cũng cảm thấy đau khổ, càng không nên nôn nóng muốn thay đổi người khác. Bất kỳ thời khắc nào con người hấp tấp sự việc càng xấu đi. Khải Toàn lấy ví dụ nút thắt. Hãy nhớ lại cách bạn mở một nút thắt một sợi chỉ, bạn phải từ từ, chậm rãi, tỉ mỉ để tìm điểm nên gỡ. Trong cuộc sống cũng như vậy, việc gì chúng ta làm từ tốn, kiên nhẫn kết quả luôn tốt hơn những việc làm vội vã.
Một vị bảo rằng “Thưa thầy, tôi nghĩ rằng mình là người tốt, không làm hại ai, có cần tu tâm dưỡng tính không”, Khải Toàn xin thưa, tính hoặc tánh được hình thành từ Sinh thần bát tự, tức là ngày tháng năm sinh, ai cũng có tính tốt tính xấu, đừng nghĩ rằng trong mình có Phật tính thì không cần phải tu tập, ngoài thiện tính còn có cả ma tính, những ma tính này rất dễ trỗi dậy, tâm ta dễ bị lôi kéo bởi ngoại vật. Ví dụ thấy một người dung mạo xinh đẹp ta đưa mắt dõi theo, thấy một món trang sức yêu thích ta khó cầm lòng, thế là tâm xao động.
Nếu ngẫm lại, bạn có thể thấy được ma tính của chính mình vào những thời khắc nghe lời thị phi, nghe lời chế nhạo, thậm chí chỉ là một lời nói đùa khiến bạn tự hiểu nhầm. Thế nên, con người cần tu tâm dưỡng tính để tính thiện lấn át tính ma.
Nếu các vị cảm thấy quá đau khổ vì một vấn đề không giải quyết được, hãy đi vào bệnh viện để thấy mình còn may mắn. Nếu cảm thấy đau khổ trước những mất mát, chưa thể vượt qua, hãy ngồi xuống tĩnh tọa, hít vào đếm một, thở ra đếm hai, cứ như vậy ngày qua ngày cho đến khi vị đắng của đau khổ dần tan biến.
Nhiều vị tìm đến Khải Toàn với mong muốn biết vận mệnh, mong muốn thoát khổ. Suốt 45 năm Đức Phật chỉ thuyết giảng hai điều chính, một là Khổ, hai là con đường diệt Khổ. Để diệt trừ cái Khổ bạn phải hiểu bản chất cái khổ bạn đang trải qua, khổ vì tình, khổ vì danh, khổ vì con, khổ vì bệnh, khổ vì mất tiền của, khổ vì mất người thân…, dù là cái khổ nào, trước tiên người đau khổ phải cần tìm lại cho mình cái tâm an tịnh, mà Thiền định là phương tiện phù hợp nhất giúp con người có tâm an.
Có vị hỏi “tôi không thể nào tịnh tâm, không thể nào hành thiền”, chính vì tâm loạn nên mới dụng đến Thiền, chính vì suy nghĩ không thể hành thiền mới cần đến sự tu tập thiền, phương pháp đã biết, dụng được hay không do phúc phần và sự cố gắng của mỗi người. Nếu các vị muốn thoát khổ hãy tu tập, sống thiện lành, không ai bắt ta tu tập, nếu cần mẫn tu tâm dưỡng tánh, sự thanh thản trong tâm hồn ngày một lớn dần.
Trong thời khắc đau khổ, khi tập hành thiền sẽ cảm nhận nổi khổ thấu tận xương tủy, từ từ chúng sẽ tan biến, có thật như vậy không, vâng! chính bản thân Khải Toàn đã trải qua cảm giác ấy, trải qua cảm giác đau khổ, cái cảm giác mà sống không được chết cũng không xong. Dù các vị có ở tận cùng của nổi đau, vẫn phải đứng lên và bước tiếp, đến cuối cùng rồi mọi thứ sẽ ổn.
Tâm bồ đề là tâm giác ngộ, hiểu rằng ngày ta có được tất sẽ có lúc mất đi, những nghịch cảnh là cơ hội cho bản thân khảo nghiệm, không có đau khổ sẽ không cảm nhận được hạnh phúc. Tâm bồ đề khởi sự an lạc xuất hiện, tinh tấn tu tập phước duyên sẽ gia tăng.
Khổ từ tâm sinh cũng từ tâm diệt, tâm bồ đề khởi Khổ sẽ mất đi.
Danh mục bài
Khải Toàn Phong thuỷ
• Chánh niệm: “Thành công nhờ kiên trì – Trí tuệ nhờ Chánh niệm”, nghĩa rằng muốn thành công phải thật kiên trì, có những việc thực hiện cả vạn lần, tư duy luôn hướng tới những điều tích cực trong mọi hoàn cảnh sẽ sinh ra trí tuệ.
• Nhân quả: Giả dụ mỗi ngày bạn bỏ vào ống heo 100 ngàn đồng, một năm sau heo sẽ mập, mỗi ngày hành thiền 10 phút, một năm sau tâm trí sẽ thành cây đại thụ an tịnh. Đạo lý này nói lên “quả của hôm nay, hoàn toàn là Nhân của hôm qua”.
• Khải Toàn không phải thầy phong thủy nổi tiếng, dùng kiến thức phong thủy chân chính, dùng khả năng tu tập của bản thân, để trợ duyên những vị đủ duyên và đủ phước để cải vận, trong kết quả luôn kèm theo lời khai thị về sống chân thiện, mở lòng bố thí, khuyến nghị hành thiền, đó là những phương tiện gia tăng vận may ngoài ứng dụng phong thủy
• Phong thủy: là phương tiện trợ duyên giúp công danh thăng tiến. Không gian là phong thủy, tâm lý là phong thủy, sạch sẽ gọn là là phong thủy tốt, tâm trạng phấn khởi là phong thủy tốt, vị nào có tấm lòng vị tha không chấp trước hẵn là người có phúc đức.
| Hãy theo dõi kên “Khải Toàn Phong thủy” trên Youtube / Tik Tiok / Facebook |